ĐIỀU TRỊ GHÉP DA RỜI

Ghép da là phẫu thuật được biết đến nhằm mục đích che phủ bề mặt của một vết thương hay khuyết hổng, giúp phục hồi vết thương, cũng như tạo tính thẩm mỹ tại chỗ. Tại khoa Tạo hình- Thẩm mỹ bệnh viện Đại học Y Dược, cũng như Trung Tâm Điều Trị Vết Thương, từ năm 2007 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân có các vết thương phần mềm hở, có lộ các cấu trúc bên trong. Sau khi các vết thương được xử lí làm sạch, các trường hợp này được phẫu thuật tạo hình, trong đó có ghép da, nhằm phục hồi giúp vết thương mau lành cũng như tạo diện mạo, mặc áo mới cho vết thương cần che phủ.

Xem thêm: Những điều cần biết về điều trị vết thương 

1. VẬY PHẪU THUẬT GHÉP DA LÀ GÌ?

Phẫu thuật ghép da rời là phẫu thuật di chuyển một phần da từ một vùng của cơ thể đến vị trí khác trên cơ thể. Đây là kỹ thuật khá phổ biến, thực hiện nhanh. Tùy vị trí, tính chất vết thương, nhu cầu sử dụng, có 2 loại da ghép:

  • Ghép da mỏng: Chỉ lấy một phần mỏng của lớp da, vùng lấy da không cần phải khâu đóng
  • Ghép da dày: Lấy toàn bộ lớp da, vùng lấy da phải cần khâu đóng

2. TRƯỜNG HỢP NÀO CẦN GHÉP DA?

Khi bệnh nhân có:

  • Các vết thương mất da, không thể khâu đóng trực tiếp, có nền vết thương tốt và nguồn cung cấp máu nuôi tốt
  • Phẫu thuật cần ghép da để lành thương
  • Lý do thẩm mỹ trong phẫu thuật tạo hình

3. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO KHÔNG THỂ THỰC HIỆN GHÉP DA?

Khi bệnh nhân có:

  • Vết thương nhiễm trùng: tụ dịch mủ hay mô chết, mô hạt kém, nguồn cung cấp máu nuôi hạn chế..
  • Vết thương lộ các cấu trúc gân, xương, mạch máu
  • Các vết thương ác tính

Hình 1: Một trường hợp vết thương mất da mặt trong cẳng chân (T) điều trị tại Trung tâm Điều trị Vết thương - BV. Đại học Y Dược TP. HCM, trước ghép da và sau ghép da 5 ngày

4. PHẪU THUẬT GHÉP DA ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Đây là phẫu thuật được thực hiện tại phòng mổ. Bệnh nhân có thể được gây tê hoặc gây mê, và sử dụng dụng cụ chuyên dụng là dao bào da.

  • Làm sạch vùng ghép da
  • Lựa chọn vùng lấy da ghép
  • Vẽ, đo vùng da cần lấy
  • Lấy da ghép – Cố định da ghép

5. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ DA GHÉP THẾ NÀO?

Sau khi mở băng da ghép, quan sát vị trí ghép da không có nhiều dịch mủ, mảnh da ghép có màu hồng thì khả năng da ghép sống cao. Nếu vết thương tụ mủ, da ghép bị bong hoặc có màu đen, nhiều khả năng ghép da thất bại, khi đó có thể cắt lọc làm sạch và ghép da bổ sung.

Kết luận

  • Ghép da tuy đơn giản, nhưng cũng cần được thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên ngành. Kỹ thuật này đã được thực hiện tại khoa Tạo hình- Thẩm mỹ bệnh viện Đại học Y Dược và Trung Tâm Điều trị vết thương từ nhiều năm nay và đã cho kết quả thành công trong hầu hết các trường hợp, giúp lành thương và tạo tính thẩm mỹ nhất định.
  • Chăm sóc tốt và theo dõi kĩ vùng vết thương ghép da cũng như vùng lấy da giúp lành thương sớm.

 

Thông tin tác giả:

BS. Nguyễn Thái Thùy Dương

  • Phẫu thuật viên khoa Tạo hình – Thẩm mỹ bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Điều trị vết thương Thành phố Hồ Chí Minh