NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÁI TẠO VÚ SAU PHẪU THUẬT ĐOẠN NHŨ

Tái tạo vú (Breast reconstruction): là phẫu thuật phục hồi dáng vẻ bên ngoài cho người đã phải cắt vú do điều trị ung thư hoặc do các lí do khác. Phẫu thuật sẽ khôi phục lại hình dáng, kích thước vú vá cả núm vú, quầng vú.

Phẫu thuật tái tạo vú (TTV) là phẫu thuật lớn, mang tính chất tiếp nối điều trị, đòi hỏi kỹ thuật cao. Bao gồm nhiều giai đoạn, thường chỉ được thực hiện trên các bệnh nhân(BN) đã hoàn tất quá trình điều trị (ung thư vú) có sức khoẻ ổn định, hiểu biết rõ về TTV.

Lợi ích TTV:

  • Mang lại lợi ích tâm lý tốt, xoá bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khyết. Cải thiện chất lượng sống của người bệnh
  • Phục hồi dáng vẻ bên ngoài của cơ thể, phục hồi biểu tượng nữ tính
  • Không phải sử dụng áo ngực giả gây bất tiện trong sinh hoạt

TTV có làm tăng khả năng tái phát ung thư không?: các nghiên cứu so sánh giữa các nhóm bệnh nhân có TTV và không TTV, với thời gian theo dõi lâu dài cho thấy nhóm có TTV không làm tăng khả năng tái phát ung thư.

Điều kiện để thực hiện phẫu thuật TTV: các BN, người thân sẽ hoặc đã trải qua phẫu thuật cắt vú sẽ được các BS chuyên khoa Tạo hình-Thẩm mỹ khám, tư vấn, giải thích về thời điểm, các phương pháp TTV(đặt túi, dùng các vạt da, cơ, các tai biến, biến chứng có thể gặp…). BS sẽ cùng BN chọn lựa phương pháp phù hợp dựa trên tình trạng sức khoẻ, ý muốn của BN và tình hình khuyết mất mô. BN được kiểm tra sức khoẻ tổng quát để chuẩn bị cho cuộc mổ lớn.

Thời điểm TTV: ngay khi mổ cắt vú (TTV thì đầu) hoặc sau khi mổ cắt vú một thời gian (TTV thì hai)

Các kỹ thuật TTV: nhìn chung có thể chia thành 3 loại kỹ thuật: dùng vật liệu nhân tạo (túi ngực), dùng mô độn của chính BN (cơ lưng rộng, da mỡ bụng…) hoặc kết hợp 2 loại trên.

Các loại TTV thường được sử dụng chính yếu hiện nay:

TTV dùng vật liệu độn nhân tạo: được sử dụng khi mô tại chỗ thành ngực: da, mô dưới da,cơ ngực lớn…không bị mất nhiều. BS sẽ dùng túi độn ngực(chứa dung dịch nước muối sinh lý(“nước biển”)) hoặc silicon dạng gel đặt dưới mô còn lại để nâng, tạo hình vú. Phẫu thuật có thể đặt túi ngay, thực hiện một lần nếu mô tại chỗ có đủ hoặc có thể đặt túi dãn mô, tạo ổ trước khi đặt túi. (Hình 1)

Hình 1: đặt túi dãn mô ( hình giữa) trước khi đặt túi ngực ( hình phải)

TTV dùng mô đệm của chính BN:

Ưu điểm: dùng mô, chất liệu của chính BN, hợp sinh họ, tránh phảu ứng đào thải, lấy bớt mô thừa (thường là mỡ) ở vùng khác của cơ thể.

Có nhiều vùng khác trên cơ thể có thể dùng làm mô đệm:

a. Dùng cơ lưng rộng: phẫu thuật sử dụng cơ lưng rộng (có thể kèm đảo da) phía sau lưng (cùng bên TTV) xoay, đưa lên trước, độn vào vùng mô vú bị thiếu. Cũng có thể đặt thêm túi ngực (kết hợp mô tự thân và túi ngực) nếu mô còn thiếu. Phẫu thuật thường ké dài #2-3 giờ (Hình 2,3)

Hình 2,3: cơ lưng rộng kèm đảo da ở lưng (2) chuyển ra trước TTV (3)

b. Dùng da, cơ thẳng bụng: phẫu thuật này dùng cơ thẳng bụng và da vùng bụng dưới làm chất liệu độn tạo bầu vú mới. Phẫu thuật có thể dùng vạt cơ da như vạt có cuống nuôi (không nối vi phẫu) hoặc vạt tách rời có nối mạch vi phẫu. Ưu điểm của vạt này là chất liệu độn khá nhiều, phẫu thuật cũng lấy đi một phần da, mỡ vùng bụng (như phẫu thuật lấy da, mỡ thừa vùng bụng), sẹo mổ dấu sát trên xương mu. Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây thoát vị thành bụng về sau, để khắc phục, các BS có thể tạo hình thành bụng bằng vật liệu nhân tạo ngay khi TTV hoặc lấy chọn lọc, chỉ lấy da, mỡ dưới da không lấy cơ. Phậu thuật có thể kéo dài 3-6 giờ tuỳ theo dùng vạt có cuống mạch hay có nối mạch vi phẫu. (Hình 4).

Hình 4: vạt da, cơ thẳng bụng có cuống mạch nuôi

c. Vạt da ngang bụng: dùng vạt da, mỡ dưới da với mạch máu chọn lọc, đây là vạt cải tiến, lấy chọn lọc (đã nói trên), không lấy (hoặc rất ít) cơ với mạch nuôi da đi kèm để tránh thoát vị thành bụng. Đây là vạt chuyển nối vi phẫu, thời gian mổ khoảng 5-6 giờ (Hình 5)

Hinh 5: Vạt da ngang bụng TTV vi phẫu với sẹo vùng cho da sát trên xương mu

Tái tạo quầng và núm vú: là giai đoạn cuối của TTV, khi BN phải cắt bỏ cả quầng và núm vú theo yếu cầu điều trị. Thường được thực hiện sau khi tái tạo bầu vú nói trên đã hoàn thàng (khoảng 3-4 tháng sau tạo bầu vú). Có nhiều cách tạo núm và quầng vú, thường chỉ gây tê tại chỗ và có thể về trong ngày.

Các tai biến, biến chứng liên quan đến TTV:

Cũng như tất cả các phẫu thuật, thủ thuật khác, TTV có thể gặp các biến chứng sau:

  • Biến chứng do gây mê, shock thuốc: nằm trong các tỉ lệ chung của các cuộc mổ gây mê
  • Nhiễm trùng: nguy cơ nhiễm trùng cũng sẽ tăng lên khi thời gian mổ kéo dài, bộc lộ rộng…
  • Tắc tĩnh mạch sâu: nguy cơ sẽ tăng lên khi cuộc mổ kéo dài, bệnh nhân ít vận động, dùng một số thuốc nội tiết…
  • Sẹo lồi, xấu, sẹo co rút: phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa, thực phẩm, chăm sóc vết thương sau mổ…

Thông tin tác giả:

PGS. TS. BSCK2. Nguyễn Anh Tuấn

Trưởng Khoa Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Trưởng Bộ môn Tạo hình Thẩm mỹ - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Trưởng Trung tâm Điều trị Vết thương - Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Liên chi hội Điều trị Vết thương Thành phố Hồ Chí Minh