CÁCH TỰ CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG, VẾT LOÉT VÙNG CÙNG CỤT TẠI NHÀ

Người cao tuổi ít vận động, nằm lâu, người bệnh liệt do tai biến, gãy xương, chấn thương cần bất động hoặc hạn chế cử động… là những đối tượng nguy cơ cao bị các vết thương, vết loét vùng cùng cụt.

Nguyên nhân thường do không kiểm soát tốt phân, nước tiểu gây viêm loét da hoặc áp lực lên vùng cùng cụt do nằm lâu, ma sát và lực trượt gây ra vết loét tì đè vùng cùng cụt.

Các vết thương, vết loét này nếu không được quan tâm, chăm sóc đúng cách sẽ ngày càng trầm trọng hơn và có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Việc điều trị và chăm sóc các vết thương, vết loét vùng cùng cụt rất khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí và đặc biệt là công sức của người chăm sóc. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra da toàn thân cho người bệnh, đặc biệt các vùng nhô xương nhằm phát hiện và điều trị sớm các tổn thương da.

Chăm sóc, điều trị vết thương cần được thực hiện bởi các Bác sĩ, Điều dưỡng, nhân viên y tế được đào tạo về điều trị vết thương giúp vết thương sớm lành và phòng ngừa tái phát.

Đối với người bệnh có bệnh nền ổn, vết thương có thể được điều trị tại nhà. Trong trường hợp này, người bệnh và người nhà người bệnh sẽ được Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp và hẹn lịch tái khám.

👉 Cách chăm sóc cơ bản vết thương hở da vùng cùng cụt:

1. Không nằm đè lên vết thương
2. Băng kín - giữ vết thương khô sạch
3. Tránh để phân – nước tiểu dính vào vết thương
4. Tuỳ tình trạng thấm dịch vết thương ra băng, có thể thay băng mỗi ngày hoặc cách ngày:

Cần đảm bảo dụng cụ vô trùng. Tuỳ theo tình trạng vết thương, lựa chọn dung dịch rửa vết thương phù hợp:

- Vết thương nhiều dịch mủ, hôi: rửa bằng oxy già pha loãng, sau đó rửa lại bằng dung dịch prontosan hoặc nước muối sinh lý
- Vết thương lên mô hạt đỏ, không có dịch đục, không hôi: rửa bằng prontosan hoặc nước muối sinh lý.
- Băng kín vết thương: gạc y tế tiệt trùng hoặc dùng gạc hút dịch như Urgo sorb, Aquacel Bạc... sau đó băng dán kín.
- Một số gạc, băng dán kín, không thấm nước như: miếng dán hydrocolloid, foam…

5. Nằm nệm hơi
6. Xoay trở liên tục (nằm nghiêng trái, nghiêng phải) mỗi 1-2 giờ. Việc nằm nệm hơi không thay thế cho việc xoay trở người bệnh
7. Thường xuyên kiểm tra da toàn thân người bệnh, đặc biệt các vùng nhô xương nhằm phòng ngừa và điều trị sớm các tổn thương da khác
8. Uống thuốc theo toa của Bác sĩ
9. Tái khám đúng theo lịch hẹn.

Người bệnh có thể liên hệ Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ để được thăm khám, hướng dẫn phương pháp điều trị và chăm sóc vết thương phù hợp.